Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức phiên họp thứ chín
Ngày 15/01/2025, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức phiên họp thứ 9 đánh giá kết quả triển khai công tác cải cách hành chính năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2025. Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, chủ trì phiên họp. Cùng dự có lãnh đạo các Bộ, ngành cơ quan trực thuộc Chính phủ và lãnh đạo các tỉnh, thành phố.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình chủ trì phiên họp
Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối từ Trụ sở Chính phủ tới 63 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nội dung phiên họp tập trung đánh giá kết quả thực hiện công tác CCHC năm 2024; thảo luận phương hướng, nhiệm vụ những năm 2025 và những giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế trong triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC) thời gian tới.
Tại điểm cầu tỉnh Sơn La, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Công chủ trì; dự phiên họp có các thành viên Ban Chỉ đạo 1168 của tỉnh.

Toàn cảnh tại điểm cầu tỉnh Sơn La
Năm 2024, CCHC được xác định là một trong những trọng tâm chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó, xác định tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình tổng thể CCHC nhà nước, trọng tâm là cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy, công chức, công vụ và thủ tục hành chính (TTHC); tập trung xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, là giải pháp quan trọng nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 tại Nghị quyết số 01/NQ-CP; với chủ đề điều hành của năm là: “Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tăng tốc sáng tạo; hiệu quả bền vững”.
Thủ tướng Chính phủ đã kiện toàn Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ; ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2024 với 64 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể, gắn với trách nhiệm triển khai của từng thành viên Ban Chỉ đạo và các bộ, ngành, địa phương. Đã tổ chức 02 Phiên họp trực tuyến với 63 địa phương do Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì, qua đó kịp thời đánh giá tình hình, kết quả triển khai công tác CCHC của cả nước, kịp thời chỉ đạo và quyết định nhiều vấn đề quan trọng cho triển khai CCHC. Văn phòng Ban Chỉ đạo đã tiếp nhận 144 đề xuất, kiến nghị của các bộ, các tỉnh trên cơ sở đó đã phối hợp với các bộ, ngành có liên quan rà soát, trả lời, giải đáp, tháo gỡ 144/144 đề xuất, kiến nghị, đạt tỷ lệ 100%. Các bộ, ngành, địa phương đã ban hành tổng số 4.673 văn bản để chỉ đạo, đôn đốc, quán triệt thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ CCHC.
Trong năm 2024, các địa phương đã thực hiện hơn 34.000 phóng sự, tin bài chuyên đề thông tin, tuyên truyền về CCHC; tổ chức hơn 100 hội nghị, tọa đàm và 28 cuộc thi tìm hiểu về CCHC. Bộ Nội vụ đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiến hành kiểm tra, làm việc về CCHC tại một số địa phương, gồm: Hải Dương, Đồng Nai, Phú Yên, Hòa Bình, Tiền Giang…
Công tác cải cách thể chế, xây dựng pháp luật được quan tâm, có nhiều đổi mới. Trong năm 2024, Chính phủ đã tổ chức 11 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 29 luật; ban hành 182 nghị định, 90 nghị quyết; ban hành theo thẩm quyền 496 thông tư; qua đó tiếp tục hoàn thiện thể chế của nền hành chính, kịp thời thích ứng, điều chỉnh hiệu quả các mối quan hệ kinh tế - xã hội. Các bộ, ngành, địa phương đã quan tâm, đổi mới công tác tổ chức, theo dõi thi hành pháp luật một cách chủ động, tích cực, bám sát nội dung, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch năm.
Về cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh, trong năm 2024, có 5 bộ, cơ quan trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa đối với 125 quy định kinh doanh tại 47 văn bản quy phạm pháp luật. 13 bộ, cơ quan đã cắt giảm, đơn giản hóa 420 quy định kinh doanh tại 36 văn bản quy phạm pháp luật, nâng tổng số quy định kinh doanh được các bộ, cơ quan cắt giảm, đơn giản hóa từ năm 2021 đến nay là 3.195 quy định kinh doanh tại 281 văn bản quy phạm pháp luật trên tổng số 15.763 quy định kinh doanh, đạt 20,2% và vượt qua mục tiêu tối thiểu đề ra cho cả giai đoạn 2020 - 2025.
Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và hoàn thiện quy định về vị trí việc làm tại cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, cải cách chính sách tiền lương tiếp tục có chuyển biến rõ nét, đạt được những kết quả tích cực. Kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường. Cụ thể, kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan hành chính nhà nước các cấp tại 63 tỉnh, thành phố đã tiếp tục giảm 12 tổ chức chi cục, phòng và tương đương của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; giảm 29 tổ chức phòng và tương đương thuộc UBND cấp huyện; lũy kế đến nay, đã giảm 13 Sở và tương đương, 2.613 tổ chức cấp phòng và tương đương ở địa phương. Kết quả thực hiện tinh giản biên chế công chức, viên chức của bộ, ngành, địa phương theo quy định tại các Nghị định của Chính phủ tổng số là 16.149 người (trong đó, bộ, ngành là 217 người, địa phương là 15.932 người).
Bên cạnh đó, công tác xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số tiếp tục được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt.
Về phương hướng, nhiệm vụ CCHC năm 2025, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm, toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ và Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 02/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ; rà soát, có giải pháp cụ thể, thiết thực tạo đột phá mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và các nhiệm vụ đề ra trong kế hoạch CCHC năm 2025 của các bộ, cơ quan, địa phương.
Thời gian tới, Phó thủ tướng Thường trực chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương bám sát các chủ trương của Đảng, Chính phủ về công tác cải cách tư pháp, cụ thể là Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Xây dựng thể chế, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Tập trung quyết liệt việc thực hiện Nghị quyết 18 về tinh gọn bộ máy. Xây dựng chính sách cho đội ngũ cán bộ đảm bảo để phục vụ người dân tốt hơn. Tập trung xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác cải cách hành chính, góp phần đắc lực hoàn thành nhiệm vụ kinh tế, xã hội năm 2025.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Sơn La