image banner
Kết quả, xếp hạng Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2024 (SIPAS) và Chỉ số cải cách hành chính năm 2024 (Par Index) của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Lượt xem: 2
Ngày 06/4/2025, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2025. Phiên họp được tổ chức trực tiếp tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ, trực tuyến với các điểm cầu tại Trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cùng tham dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Lãnh đạo Tỉnh ủy, Thành ủy và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và một số đại biểu khách mời.
anh tin bai

Ảnh: Toàn cảnh Phiên họp của Chính phủ

                Tại Phiên họp, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã báo cáo và công bố kết quả, xếp hạng Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2024 và Chỉ số cải cách hành chính năm 2024 của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là hai công cụ quan trọng đánh giá kết quả, tác động của cải cách hành chính một cách toàn diện, khách quan, đa chiều; giúp các địa phương phân tích, so sánh và xác định rõ những mặt tích cực và chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong từng nội dung, nhiệm vụ CCHC để có biện pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, nâng chất lượng phục vụ nhân dân.

Năm 2024 là năm thứ 8, Bộ Nội vụ triển khai đo lường, xác định Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) nhằm đánh giá khách quan chất lượng phục vụ người dân của cơ quan hành chính nhà nước, góp phần xây dựng nền hành chính phục vụ, lấy người dân làm trung tâm, công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình theo các mục tiêu của của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 của Chính phủ. Để triển khai xác định SIPAS 2024, trên cơ sở các tiêu chí và phương pháp đo lường đã được phê duyệt, Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam để tiến hành khảo sát ý kiến của 36.525 người dân tại 195 đơn vị hành chính cấp huyện, 385 đơn vị hành chính cấp xã và 1.170 thôn, bản, tổ dân phố, khu phố. Đối với nội dung xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách công, có 09 nhóm chính sách quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân được lựa chọn để người dân đánh giá2. Đối với nội dung dịch vụ hành chính công, người dân đánh giá các dịch vụ nói chung được cung ứng tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả các cấp ở địa phương. Từ ý kiến phản hồi của 36.525 người dân, Bộ Nội vụ đã tổng hợp, phân tích dữ liệu và xác định Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2024. Đây là một bộ chỉ số gồm 42 chỉ số phản ánh nhận định, đánh giá; 51 chỉ số phản ánh mức độ hài lòng và 10 chỉ số phản ánh nhu cầu, mong đợi của người dân.

Kết quả Chỉ số SIPAS năm 2024 đạt trung bình là 83,94%tăng 1.28% so với năm 2023; 05 tỉnh, thành phố có kết quả SIPAS 2024 cao nhất là Hải Phòng, Thái Nguyên, Hải Dương, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu; 05 tỉnh thấp nhất là Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Nam, An Giang và Quảng Ngãi.

anh tin bai

Ảnh: Kết quả Chỉ số SIPAS năm 2024 của 63 tỉnh, thành phố

Chỉ số SIPAS tỉnh Sơn La năm 2024 đạt 84,05%, tăng 07 bậc trên bảng xếp hạng so với năm 2023, đứng thứ 26/63 tỉnh, thành phố, tăng 1,82% so với năm 2023 (năm 2023 đạt 82,23%, đứng thứ 33/63 tỉnh, thành phố), cao hơn mức trung bình của cả nước là 0,11%.

Kết quả SIPAS 2024 đã ghi nhận nỗ lực rất lớn của chính quyền các cấp ở địa phương trong triển khai các giải pháp cải thiện chất lượng phục vụ người dân. Trong những năm qua, Chỉ số hài lòng của người dân đã mang lại những kết quả, tác động tích cực đối với cả cơ quan nhà nước và người dân; cung cấp cơ sở để các cơ quan nhà nước xác định thực trạng, triển khai các biện pháp cụ thể, thúc đẩy tiến trình cải cách, nâng cao chất lượng phục vụ. Đội ngũ CBCCVC đang dần thay đổi nhận thức, tư duy, hành động theo hướng quan tâm, vì lợi ích, vì sự hài lòng của người dân và đáp ứng nhu cầu, mong đợi của người dân. Người dân, xã hội đang dần quan tâm, ủng hộ, giám sát, phản hồi ý kiến tích cực hơn đối với các cơ quan nhà nước để cùng xây dựng một nền hành chính phục vụ, lấy người dân làm trung tâm, nâng cao sự hài lòng của người dân.

Năm 2024 là năm thứ 13, Bộ Nội vụ triển khai đánh giá, xác định Chỉ số CCHC của các tỉnh. Bộ Nội vụ đã phê duyệt Bộ tiêu chí3 đánh giá mới nhằm sửa đổi, bổ sung, cập nhật các tiêu chí và phương pháp đánh giá cho phù hợp với thực tiễn và góp phần thúc đẩy các bộ, ngành, địa phương thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ CCHC được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 76/NQ-CP. Theo đó, Chỉ số CCHC cấp tỉnh bao gồm lĩnh vực đánh giá, 38 tiêu chí và 88 tiêu chí thành phần; tổng điểm đánh giá là 100 điểm, trong đó, 68 điểm đánh giá kết quả CCHC và thực hiện chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, 32 điểm đánh giá tác động của CCHC thông qua điều tra xã hội học. Các tiêu chí được đánh giá dựa trên phương pháp định lượng kết hợp với định tính, có sự tham gia thẩm định của các cơ quan được Chính phủ giao chủ trì triển khai từng nội dung CCHC. Việc đánh giá đa chiều, kết hợp đánh giá (bên trong) của các cơ quan hành chính nhà nước và sự tham gia đánh giá (bên ngoài) của người dân, tổ chức đối với kết quả cải cách hành chính hàng năm của các tỉnh. Quy trình rà soát, thẩm định, đánh giá đều thực hiện qua phần mềm quản lý chấm điểm của Bộ Nội vụ; việc thực hiện khảo sát trực tuyến thông qua phần mềm; phiếu khảo sát điện tử được gửi trực tiếp đến địa chỉ hòm thư của từng người được hỏi, giúp cho công tác khảo sát nhanh chóng, thuận tiện, khách quan, minh bạch, kết quả trả lời được tổng hợp, tính điểm theo thời gian thực. Để xác định Chỉ số CCHC năm 2024, Bộ Nội vụ đã tiến hành khảo sát hơn 85.600 phiếu, trong đó, có 36.525 phiếu của người dân để đo lường mức độ hài lòng nêu trên; 49.159 phiếu điện tử khảo sát nhóm đối tượng là cán bộ, công chức, lãnh đạo quản lý tại các bộ, địa phương, hội, hiệp hội.

Chỉ số CCHC năm 2024 của các tỉnh, thành phố tiếp tục duy trì tăng trưởng tích cực, với giá trị trung bình cao nhất từ trước đến nay, đạt 88.37%, cao hơn 1.39% so với năm 2023. Đây cũng là lần thứ 2 liên tiếp có 63/63 địa phương đều đạt kết quả Chỉ số CCHC trên 80%. Theo thống kê, 53/63 địa phương có Chỉ số CCHC tăng so với năm 2023, tăng cao nhất là Bình Thuận (+6.39%), tăng thấp nhất là Lai Châu (+0.19%). Tuy nhiên vẫn còn 09 địa phương có chỉ số giảm, nhưng mức giảm không đáng kể, tỉnh giảm nhiều nhất là 2.94% và tỉnh giảm ít nhất là 0.21%.

anh tin bai

Ảnh: Kết quả Chỉ số CCHC của 63 tỉnh, thành phố

Chỉ số CCHC tỉnh Sơn La năm 2024 đạt 90,02%, tăng 1,36%, tăng 01 bậc trên bảng xếp hạng so với năm 2023; xếp thứ 12/63 tỉnh/thành phố; thuộc nhóm B của cả nước, đứng thứ 4/14 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc (năm 2023 đạt 88,66%, tăng 1,88%, xếp thứ 13/63 tỉnh/thành phố, đứng thứ 6/14 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc).

anh tin bai

Ảnh: Xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2024 của 14 tỉnh Trung du miền núi phía Bắc

anh tin bai

Biểu đồ: Kết quả Chỉ số CCHC của tỉnh Sơn La từ năm 2021 đến năm 2024

Năm 2024, các địa phương đã có nhiều nỗ lực chỉ đạo và tổ chức triển khai công tác CCHC một cách toàn diện và hiệu quả; kết quả đánh giá nhiều tiêu chí cho thấy sự chuyển biến rõ nét so với năm 2023, phương pháp chỉ đạo, điều hành CCHC có nhiều sáng tạo, đổi mới tích cực. Các hoạt động chỉ đạo, điều hành CCHC ngày càng có những chuyển biến tích cực cả về tư duy, hành động và hiệu quả đạt được trong thực tiễn. Các địa phương đã tăng cường rà soát, đề xuất tháo gỡ nhiều thể chế, cơ chế, chính sách, góp phần tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư, tạo động lực thúc đẩy thực hiện thắng lợi nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra trong năm qua. Cải cách thủ tục hành chính được triển khai quyết liệt, nhiều mô hình mới được triển khai thí điểm, gắn kết chặt chẽ với chuyển đổi số và Đề án 06 đã mang lại nhiều hiệu quả, lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp. Cải cách tổ chức bộ máy được triển khai quyết liệt, khẩn trương, khoa học và đạt được nhiều kết quả đột phá. Xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số tiếp tục là điểm sáng của cải cách, khung pháp lý tiếp tục được hoàn thiện; các ứng dụng, cơ sở dữ liệu được phát triển mạnh mẽ, dữ liệu thường xuyên được cập nhật, kết nối chia sẻ liên thông, phục vụ ngày càng hiệu quả cho hoạt động chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo UBND các cấp ở địa phương.

Tuy nhiên, thông qua đánh giá, xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2024 cũng đã chỉ rõ, việc thực hiện một số nội dung, nhiệm vụ CCHC còn cho kết quả thấp, hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển và sự mong đợi của người dân. Đây là cũng là dịp để các địa phương có điều kiện nghiên cứu, phân tích dữ liệu, xác định rõ những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, từ đó, ban hành và triển khai các giải pháp, biện pháp khắc phục đối với từng nội dung, nhiệm vụ cụ thể, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý và nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong năm 2025 và những năm tiếp theo.

Qua thực tiễn triển khai, Chỉ số CCHC luôn được khẳng định là một trong những công cụ có ý nghĩa quan trọng trong chỉ đạo, điều hành triển khai các Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước phù hợp với từng giai đoạn cụ thể. Thông qua Chỉ số CCHC, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương xác định được mục tiêu, định hướng, nội dung, nhiệm vụ và giải pháp cho cải cách hành chính nhà nước giai đoạn tiếp theo. Các bộ, ngành, địa phương luôn coi việc triển khai đo lường đánh giá Chỉ số cải cách hành chính là công cụ hữu ích trong công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; kết quả đánh giá, xếp hạng dần trở thành một trong những cơ sở quan trọng để đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của cá nhân, tổ chức. Đồng thời, Chỉ số cải cách hành chính cũng là công cụ có sự tác động nhất định, tạo ra những áp lực đối với các cơ quan quản lý để tạo ra sự đổi mới tư duy, hành động sáng tạo, góp phần đẩy mạnh cải cách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân./.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

 SỞ DÂN TỘC VÀ TÔN GIÁO TỈNH SƠN LA 

Địa chỉ: Tầng 1,2  tòa nhà 6T1, Trung tâm hành chính tỉnh, Phường Chiềng Cơi, Thành phố Sơn La. 

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Ông Nguyễn Viết Hưng - Giám đốc sở

Điện thoại: 0212.3850744 - Email: sdttg@sonla.gov.vn 

Giấy phép số: 01/GP-BTTTT do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La
Cấp ngày 12  tháng 3 năm 2025.

 

 Chung nhan Tin Nhiem Mang